22 đôi nên duyên: Vậy là mình cũng cưới nhau
Vượt qua bao rào cản và khó khăn chất chồng, 22 đôi nam nữ đã có mặt trong đám cưới công nhân tập thể đầu tiên ở xứ Huế vào ngày 28.7, trong đó có những đôi mà khi nhắc tới đám cưới, họ ngỡ là trong mơ.
Rước dâu khi mãn hạn tù…
Như bao chàng trai khác, Dương Tam Hoàng (23 tuổi, quê ở P.Thủy Lương, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) cũng có một tình yêu tuổi thanh xuân. Người yêu của Hoàng là cô thôn nữ cùng tuổi ở làng bên tên Nguyễn Thị Dân, từng cùng chung trường, chung lớp thuở nhỏ. Hoàng lái xe ben tải chở keo tràm, Dân làm công nhân may và họ chuẩn bị tiến tới hôn nhân.
Khi mọi kế hoạch đã đâu vào đấy, thiệp cưới chuẩn bị và còn 1 tháng nữa đám cưới thì sự cố xảy ra: Hoàng lái xe gây tai nạn khiến một phụ nữ đi xe máy tử vong. Ngày 28.7.2015, Hoàng bị bắt tạm giam rồi sau đó bị tuyên án 18 tháng tù.
Trong tình cảnh bi đát, Hoàng được an ủi khi luôn có Dân bên cạnh. Hoàng kể, nhà có 4 anh em trai, người anh cả bị câm bẩm sinh chưa lập gia đình nên Dân nghiễm nhiên trở thành cô con dâu trưởng, cáng đáng mọi việc.
Ngày Hoàng đi tù, được sự đồng ý của hai gia đình, Dân dọn hẳn về nhà bố mẹ Hoàng ở, phụng dưỡng bố mẹ chồng hết mực chu đáo. Cô gái cũng thầm lặng nuôi dưỡng giọt máu của Hoàng để lại. Trong tù, Hoàng mừng đến phát khóc khi biết mình có con trai.Hoàng phấn đấu cải tạo tốt để sớm gặp vợ con. Ngày 26 tết (năm 2017), mãn hạn tù, Hoàng trở về nhà ôm vợ con mà không ngăn được dòng nước mắt hạnh phúc. Hoàng tiếp tục nghề lái xe chở keo tràm để nuôi vợ con và giải quyết khoản nợ gần 300 triệu đồng, nào dám mơ đến ngày tổ chức lễ
“Đấy là khoản nợ mình vay để giải quyết hậu quả vụ tai nạn. Áp lực như thế nên vợ chồng mình chưa từng nghĩ sẽ làm đám cưới mà chỉ đăng ký kết hôn thôi. Không ngờ bây giờ chuyện ngoài ước mơ lại thành sự thật. Ngày 28.7 của 2 năm trước là bi kịch, ngày 28.7 năm nay là hạnh phúc”, Hoàng xúc động.
Những mảnh đời xanh lại
Trong 22 cặp tham gia đám cưới tập thể ngày 28.7 ở TP.Huế, nhiều đôi còn trẻ, nhưng có những đôi nếu không có đám cưới tập thể thì hẳn họ “yên bề” làm… ông nội bà ngoại, không nghĩ đến ngày được mặc áo cưới. Như vợ chồng anh Ngô Hiền (42 tuổi) và chị Lê Thị Mộng (34 tuổi), đã đăng ký kết hôn cách đây… 16 năm và có 3 người con (đứa lớn 15 tuổi). Hỏi chuyện, chị Mộng thoáng chút buồn, kể hai người đều là con nhà nghèo quê ở TX.Hương Thủy. Năm 1999, chị lên TP.Huế làm thuê và tình cờ gặp chàng thợ nề trẻ. Tình vừa chớm nở thì anh Hiền ra Hà Nội làm thuê, chị Mộng vào nam học nghề may và làm công. Do gia cảnh quá khó khăn nên năm 2001, trong một lần về quê, họ quyết định đến với nhau bằng một “đám cưới” không rước dâu với vài mâm cơm đạm bạc mời hai họ.
Sau “đám cưới”, họ mang theo giấy đăng ký kết hôn vào nam sinh sống, rồi lại quay về quê lập nghiệp. Chồng làm thợ nề, vợ là công nhân may. Cuộc sống cứ trôi dần mà không ai nghĩ đến việc tổ chức đám cưới, cho đến một ngày họ nhận được tin công đoàn tổ chức đám cưới tập thể…
Chị Nguyễn Thị Bé (37 tuổi) và anh Lê Như Thọ (42 tuổi), hai công nhân Công ty TNHH xi măng Luks, cũng tương tự. Một câu chuyện tình “rổ rá cạp lại”: con trai chị Bé đã 20 tuổi, con gái 15 tuổi; anh Thọ cũng có con trai 16 tuổi và con gái 11 tuổi. Chồng và vợ cũ của hai người đều mắc bệnh hiểm nghèo và mất cách nay 3 năm. Vốn làm cùng công ty, hoàn cảnh giống nhau nên họ dần nảy sinh tình cảm rồi quyết định tái hôn. Khi hỏi ý kiến con cái và bố mẹ chồng, bố mẹ vợ cũ, tất cả đều thuận ý. Để rồi trong đám cưới tập thể, họ có con cái hai bên, có bố mẹ của vợ cũ, chồng cũ tham dự.
“Những đứa con riêng của chúng tôi giờ xem nhau như anh chị em ruột. Vợ chồng tui tự hào là có đến… “bát thân phụ mẫu” chứ không chỉ “tứ thân” nữa. Tụi tui sẽ là một đại gia đình hạnh phúc”, anh Thọ cười tự tin.